Sáp ong khô đem nhuộm chàm nhiều lần, nhờ có sáp ong kết dính nên các họa tiết hoa văn không bị ngấm chàm. Khi đã nhuộm được mầu chàm ưng ý họ nhúng vải vào nước sôi, sáp ong tan ra sẽ hiện lên các hoa văn có màu xanh nhạt trên nền chàm truyền thống.Bộ dụng cụ in sáp ong rất đơn giản gồm có : từ 2 đến 7 cái bút vẽ hình chứ T gắn ngòi đồng có kích cỡ khác nhau, vài cái khung hình tam giác làm bằng tre hoặc nứa kể in các đoạn thẳng và góc. Dùng các ống tre có đường kính to nhỏ khác nhau từ 1,5 cm đến 2 cm để in các hình tròn, một vài lá chít được ép phẳng dùng làm cữ. Một chiếc nanh lợn rừng, một phiến đá dùng để miết vải cho nhẵn. Sáp ong cho vào nồi đun chảy thành nước sau đó lọc thật kỹ cho hết tạp chất. Sáp phải có độ loãng cần thiết mới in được, nếu loãng quá khi in hoa văn hay bị nhoè, đặc quá thì sáp ong không ăn vào vải.
(St)