Ông Tổ nghề in ấn Việt Nam chính là danh sĩ Lương Như Hộc – một đại quan dưới triều đại Lê Sơ. Ông đã có công rất lớn trong việc truyền lại kỹ thuật in khuôn bản gỗ cho người dân Việt.
Lương Như Hộc (1420 – 1501), tự Tường Phủ, hiệu Hồng Châu, quê ở làng Hồng Liễu, huyện Trường Tân ( xã Tân Hưng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Ông đỗ thám hoa khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3. Ông được vua trọng dụng và hai lần cử sang Trung Quốc, trong hai chuyến đi này, ông đã tiếp thu được rất nhiều kỹ thuật, và đã truyền lại kỹ thuật in khuôn bản gỗ cho người dân quê ông. Phương pháp in khuôn bản gỗ là phương pháp khắc những văn tự trên gỗ và đổ mực in lên, sau đó in lên giấy trắng, giấy sẽ được phơi cho khô mực, như vậy, ta đã có bản sao chép hoàn chỉnh.
Tuy ông không phải là người đầu tiên khởi xướng nghề in ở Việt Nam, nhưng ông lại có công rất lớn trong việc cải biến kĩ thuật in ấn mới, tiên tiến hơn tại Việt Nam. Trước đó, nghề in chỉ lưu hành trong bộ máy nhà nước và các cơ sở của Đạo Phật. Các quan sai, vua chúa và Phật tử dùng phương pháp in trên giấy than nhằm lưu truyền chính sách quản lý của nhà nước và các bản Kinh Phật. Tuy nhiên, phương pháp này có rất nhiều hạn chế: không sản xuất số lượng lớn, chất lượng bản in xấu, tốn nhiều công sức và thời gian.
Phải đến khi danh sĩ Lương Như Hộc truyền kĩ thuật in bản mộc vào Việt Nam thì ngành in ở nước ta mới thực sự phát triển. Làng Hồng Liễu đã trở thành trung tâm, cơ sở in ấn quy mô, chuyên nghiệp đầu tiên ở nước ta. Nơi đây sản xuất, in ấn rất nhiều bộ sách nổi tiếng của lịch sử, trong đó phải kế đến bộ Đại Việt Sử kí Toàn thư.
Để ghi nhận công lao, dân làng Liễu Tràng đã lập đền thờ, tôn ông làm Thành hoàng làng và coi là tổ nghề của họ. Hiện nay vẫn còn ngôi đình thờ Thám hoa ở làng Liễu Tràng, thường tổ chức lễ hội vào ngày 15 tháng 9 hàng năm. Không chỉ thế, tên ông còn được đặt một con đường tại thành phố Hồ Chí Minh. Có thể thấy, công lao của ông rất to lớn đối với nghề in ấn tại Việt Nam.
Giữa thế kỷ XIX, khi Pháp xâm chiến Sài Gòn và du nhập kỹ thuật in typô, nghề in bản gỗ khắc vẫn tiếp tục được sử dụng vì bấy giờ chữ quốc ngữ la tinh chưa phổ biến rộng rãi. Một trong những địa điểm in khắc gỗ ở Sài Gòn lúc đó là Xóm Dầu ( Phụng Du phường). Hiện con lưu lại cuốn Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu in chữ Nôm năm 1865 tại Sài Gòn. Đây là một trong số ít cuốn sách hiếm in khắc gỗ cuối cùng ở Nam Bộ.
Nghề in chữ đúc (typô) ở Việt Nam, đánh dấu mốc đầu tiên khi năm 1862, Đô đốc Bonard đưa 4 công nhân người Pháp, chở máy in, chữ in, mực giấy từ Pháp sang và lập nhà in mang tên Imperial tại địa điểm đường Hai Bà Trưng – Nguyễn Du để in báo phục vụ cho công cuộc xâm lăng của Pháp. Vì là kỹ thuật in mới du nhập nên lúc đầu, công nhân Pháp phải sang thao tác về sau họ tuyển mộ và đào tạo công nhân người bản xứ vì mức lương rẻ mạt so với công nhân chính quốc. Công nhân ngành in thời đó phải biết 3 thứ chữ: chữ quốc ngữ, Pháp ngữ và có vốn Hán Nôm, tiếp xúc thường xuyên với sách vở, với giới cầm bút nên có trình độ hiểu biết nhất định, có tư thế chững chạc của những người có “chữ nghĩa”. Anh em thợ sắp chữ gọi nghề in bị bạc đãi là “nghề cứt chuột” dù rằng nhìn bề ngoài ăn mặc giống thầy thông, thầy phán:
“Trông xa tưởng là những ông phán
Đến gần: ra một toán thợ in!..”
Mãi đến năm 1909 mới xuất hiện nhà in do người Việt Nam thành lập và quản lý. Ở Hà Nội, năm 1905 thực dân pháp mở nhà in Viễn Đông (IDEO). Theo thống kê hai thập niên đầu thế kỷ chỉ co khoảng 20 nhà in đăng ký hành nghề thì hai thập niên kế đó (1920 – 1940), con số này tăng lên gấp 4 lần, lên tới gần 80 cơ sở. Tuy rằng nhiều nhà in chỉ sống một vài năm rồi đóng cửa hoặc sáp nhập vào các cơ sở khác. Theo tư liệu lưu trữ, đầu năm 1937, toàn Đông Dương có 88 nhà in đang hoạt động in được sách báo. Riêng Sài Gòn có 28 nhà in, trong đó có 18 cơ sở mang tên Việt, Hoa (chiếm 60%), tuy năng lực và kỹ thuật in kém nhiều so với các nhà in của tư bản ngoại quốc.
Trong giai đoạn 1930 – 1945 ngành in Việt Nam có những bước phát triển nhất định và đặt nền móng cho ngành in phát triển mạnh mẽ sau Cách mạng tháng tám. Khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập năm 1930, ngành in Việt Nam trước đó đã lưu truyền tác phẩm Đường cách mệnh của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc năm 1927 đến khi vận động thành lập Đảng Cộng sản VN, việc in, truyền bá các văn kiện, tài liệu của Hội nghị thành lập Đảng (năm 1930), các văn bản chính trị, các thông tin tuyên truyền kêu gọi toàn dân kháng chiến của cuộc khởi nghĩa Cách mạng tháng 8/1945 …. đã mở ra một ngành in non trẻ trong thời chiến. Trong giai đoạn này, Đảng Cộng Sản Đông Dương đã mở ra một số nhà in bí mật để phục vụ cho công tác tuyên truyền và vận động cách mạng kết hợp với các cơ sở in tư nhân yêu nước của hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn. Dưới ách thống trị của thực dân và bị áp bức bóc lột nặng nề của tầng lớp tư sản, công nhân in ở cả hai thành phố đều sớm giác ngộ đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, tích cực tham gia phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nhiều cuộc biểu tình đấu tranh của công nhân ngành in đã gây được tiếng vang lớn như: công nhân nhà in Jóeph Nguyễn văn Viết (năm 1030), công nhân nhà in Moderne do Testelin, Aspar…
Cũng trong giai đoạn 1930 – 1945, đây là thời kỳ văn học Việt Nam đang bước đầu vào giai đoạn có nhiều biến đổi. Nền văn học nước ta chịu ảnh hưởng nhiều của văn hoá, tư tưởng, trào lưu phương Tây và phân hóa thành nhiều trào lưu khác nhau như: văn học lãng mạn, phong trào thơ mới, văn học hiện thực…. Chính vì vậy trong giai đoạn này, việc in ấn những tập thơ, những cuốn truyện của các nhà văn, nhà thơ cũng nở rộ góp phần tạo nên một ngành in non trẻ của Việt Nam.
Có thể nói từ nghề in bản gỗ khắc đến nghề in đúc chữ (ty-pô) đã tạo tiền đề để ngành in Việt Nam sau Cách mạng tháng 8 phát triển nở rộ, nhờ đó ngành in nước ta được phát triển một cách toàn diện và dần bắt kịp với trình độ của khu vực và thế giới.
Nguồn: Sưu Tầm